Bài liên quan
ICTnews - Hàng trăm hacker đến từ nhiều quốc gia gồm cả Việt Nam vừa tấn công quy mô lớn, đánh sập 368 website Trung Quốc để lên án hành vi xâm phạm chủ quyền trên biển Đông. Nguy cơ xảy ra đợt phản công từ hacker Trung Quốc và Việt Nam có thể là một mục tiêu bị nhắm tới.
Ông Trần Quang Chiến, đại diện Security Daily cho biết, ngày 25/5/2014, Trung Quốc vừa bị hàng trăm hacker từ nhiều quốc gia (gồm cả hacker từ Việt Nam) tấn công quy mô lớn với nhiều hình thức như tấn công DDOS, tấn công dựa trên các lỗ hổng từ các ứng dụng website, tấn công bằng các mã khai thác có sẵn… Hành vi tấn công mạng đã không còn mang tính tự phát, lẻ tẻ mà đã có sự chuẩn bị kỹ càng hơn trước.
Các hacker đã lên án hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và thể hiện tinh thần nói không với việc để Trung Quốc bắt nạt (Say no to China's bullying).
Hàng trăm website Trung Quốc vừa bị hacker nước ngoài đánh sập. Ảnh: Security Daily
|
Tính đến chiều nay, 26/5/2014, thống kê của Security Daily từ website opchina.cuccfree.org (website chính thức của nhóm hacker phát động cuộc tấn công này) và một số diễn đàn hacker khác cho thấy đã có 368 website của Trung Quốc bị đánh sập, trong đó có tới 124 website của chính phủ (Gov.cn), 19 website của các cơ quan giáo dục (Edu.CN)... Nếu cập nhật thêm thông tin từ nhiều diễn đàn, nhóm hacker khác thì con số website Trung Quốc bị tấn công sẽ còn cao hơn nhiều.
"Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía Trung Quốc, hacker Trung Quốc về đợt tấn công này. Nhưng rất có thể hacker Trung Quốc sẽ phản hồi lại và nạn nhân chính là website của các quốc gia có hacker tham gia tấn công Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Các quản trị website nên chuẩn bị dần các biện pháp phòng thủ, biện pháp khắc phục cho việc sẽ có thể là nạn nhân của các cuộc tấn công này", đại diện Security Daily khuyến cáo.
Trao đổi với ICTnews về việc hàng trăm hacker của nhiều quốc gia tấn công hàng trăm website Trung Quốc nêu trên, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav chia sẻ: "Thực ra con số thống kê của Security Daily chưa thật chuẩn xác vì có nhiều webite trong danh sách thống kê thực chất trùng nhau, chỉ khác tên miền phụ (sub domain). Chẳng hạn thống kê ngày 25/5 có 54 website của cơ quan Chính phủ thì có tới 45 website chỉ khác tên miền phụ, và tính ra chỉ có 9 website bị đánh sập. Con số hàng trăm website Trung Quốc bị tấn công này thực chất là các page (trang) chứ không phải website. Mặt khác, việc tấn công qua lại giữa hacker của nhiều quốc gia đã xảy ra khá nhiều trên thực tế. Về bản chất, không có thể xác minh có bao nhiêu hacker của nước ngoài tham gia tấn công trên mạng khi chỉ dựa vào thông tin để lại trên những website bị tấn công, bởi rất có thể xảy ra trường hợp 1 hacker tấn công rồi tự nhận mình là hacker của một quốc gia nào đó. Dẫu sao, cũng đề nghị các hacker của các bên không nên tiếp tục tấn công qua lại với nhau trong thời gian tới. Vì nếu xảy ra xung đột lớn hơn thì cả hai bên đều có thiệt hại và đây là điều chúng ta không mong muốn".
Xuân Bách
Post a Comment