Bài liên quan
Hiện nay, việc mua một tên miền mới không phải là quá khó khăn. Tuy nhiên, nếu bạn đang có ý định tìm mua một tên miền (domain) hơi đặc biệt một chút nhưng không muốn trả nhiều hơn mức chi phí thông thường thì lại là một chuyện khác. Đặc biệt là khi bạn tìm mua một tên miền mới chỉ được đăng kí lần đầu tiên thì mức độ khó khăn càng tăng cao hơn nữa.
Tất nhiên có rất nhiều yếu tố cần xét đến khi muốn mua một tên miền nhưng trang The Next Web đã xem xét kho dữ liệu khoảng 300.000 tên miền đã được bán ra trong vòng 14 năm qua của trang cung cấp giá tên miền DNPric.es và đưa ra một số lời khuyên để giúp bạn có những định hướng nhất định trong việc lựa chọn cho mình một tên miền phù hợp với chi phí thấp nhất có thể.
Lưu ý: dịch vụ DNPric.es không theo dõi các tên miền được bán ra lần đầu tiên mà chỉ thống kê những tên miền đã được bán lại từ lần thứ hai trở đi. Bài viết này cũng chỉ đề cập tới các tên miền quốc tế.
1. Cố gắng nghĩ ra một tên miền càng ngắn càng tốt
Lời khuyên đầu tiên khi bạn chọn mua tên miền là nên chú ý tới độ dài của tên miền. Thực tế thì độ dài của domain càng ngắn càng tốt. Vì sao ư? Đơn giản là những tên miền ngắn sẽ giúp người sử dụng dễ nhớ và ít gõ sai hơn.
Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ trong trường hợp này. Khi xem xét kho dữ liệu của DNPric.es người ta thấy rằng những tên miền có 5 kí tự sẽ tốt hơn những tên miền có 3 hoặc 4 kí tự. Cụ thể, giá bán trung bình cho một tên miền có 5 kí tự là 6.054,86 USD (khoảng 127 triệu đồng). Trong khi đó, giá bán ra trung bình của các domain có 4 chữ cái là 3.641,86 USD (khoảng 76,5 triệu đồng). Tuy nhiên, tên miền gồm 2 kí tự lại được đánh giá cao nhất với giá bán trung bình 16.887,56 USD (khoảng 355 triệu đồng).
Tất nhiên một tên miền dài hơn sẽ cho chi phí đa phần là thấp hơn nhưng rõ ràng mức độ quảng bá cho thương hiệu của bạn sẽ kém hơn hẳn do nó quá khó nhớ.
Cũng theo thống kê của DNPric.es thì tên miền dài nhất từng được bán bao gồm 53 kí tự và tên miền đắt nhất thuộc về VacationRentals.com.
2. Không cần sáng tạo ra những tên miền với các kí tự đặc biệt
Cùng với việc làm sao cho tên miền càng ngắn gọn càng tốt thì bạn cũng phải nhắm đến một yếu tố nữa là sự đơn giản của tên domain mà bạn dự định đăng ký. Thực tế thì bạn không nên thêm vào tên domain những ký tự đặc biệt như dấu (-) vì nó càng làm cho người dùng khó gõ đúng tên website của bạn.
Theo Mark Kychma, một đối tác của MAKTIG VC (công ty đứng phía sau dịch vụ DNPric.es) cho biết có chưa đến 3% số tên miền có dấu (-) và đa phần chúng được mua cho mục đích dự phòng là chính.
Nếu bạn đang cân nhắc về tên miền của mình bạn có thể tìm đến sự gợi ý của những dịch vụ như Bust A Name, Dot -o- Mator…
Trong trường hợp bạn chỉ muốn đề phòng người dùng gõ sai tên miền của mình, bạn có thể cậy nhờ sự giúp đỡ của dịch vụ Domain Hole's Domain Drop để giúp bạn đánh giá xem một tên miền nào đó có dễ bị đánh máy sai hay không.
3. Đừng mù quáng vào việc phải sở hữu một tên miền có "đuôi" .com
Rõ ràng việc sở hữu một tên miền ".com" không phải là một ý kiến tồi. Tuy nhiên, Kymcha cho biết một số đuôi tên miền khác như .org, .info, .me, .tv, co, hoặc .ly vẫn được Google xếp hạng cao nếu bạn biết dùng nó phù hợp với dịch vụ của mình.
Yếu tố thứ hai cần xét đến của tên miền quốc tế ".com" là giá cả của nó. Mặc dù nó đã có xu hướng giảm trong thời gian gần đây nhưng nó vẫn có giá trung bình 3.007,23 USD trong năm 2013. Năm 2014, tên miền ".com" đang có xu hướng tăng trở lại với giá trung bình hiện tại là 4.800 USD. Điều này có nghĩa là nếu không thực sự cần thiết bạn nên nghĩ đến việc đăng kí một tên miền với đuôi khác ".com" để giảm chi phí.
4. Kiểm tra nhiều lần tên miền bạn dự định chọn
Ví dụ, bạn nghĩ rằng tên miền immense.me là một ý tưởng tốt. Hãy lên mạng và tìm hiểu xem tên miền này đã trải qua giao dịch mua bán nào chưa. Nếu chưa, rõ ràng đây không phải là một lựa chọn phổ biến và bạn nên tránh nó.
Trong khi đó, những tên miền có nhiều lần mua đi bán lại như boot.net, bracelets.net và 1ow.com có thể là một gợi ý tốt cho bạn.
Một vấn đề cần lưu ý nữa là bạn cần tránh những tên miền có liên quan trực tiếp tới thương hiệu của các doanh nghiệp. Bởi vì, bạn có thể gặp những rắc rối nếu các công ty này thưa kiện về việc bạn sử dụng tên miền cho những mục đích làm tổn hại đến danh tiếng của họ.
Tuy nhiên, bạn cũng phải hết sức cẩn thận vì có một số cụm từ khá phổ biến như catsinhats.com được định giá 5000 USD vào tháng 1/2013 nhưng điều này chưa chắc đã đảm bảo cho việc tên miền này sẽ được nhiều người biết đến. Rõ ràng, đây là một khoảng đầu tư không rõ ràng cho tương lai và bạn nên tránh.
5. Nên đàm phán trước khi mua tên miền
Bạn có 2 lựa chọn: một là trả đúng mức giá mà tên miền đó đang niêm yết, hai là tìm cách đàm phán.
Kymcha khuyên bạn hãy tìm hiểu kỹ tất cả những thông tin liên quan đến tên miền muốn mua như ai đang nắm giữ tên miền đó, nó đã được bán ra bao nhiêu lần trong quá khứ, giá trị bán ra là bao nhiêu… và nên trả giá thấp hơn mức trung bình khoảng 2000 USD. Đó là những kinh nghiệm để bạn có thể thương lượng với nhà cung cấp tên miền cho một mức giá hợp lý. Tất nhiên không phải trường hợp nào bạn cũng có thể thành công.
Trên đây là một số lời khuyên có thể giúp bạn tìm được một tên miền như ý với chi phí thấp nhất. Tất nhiên để quyết định mua một tên miền nào đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có sở thích và nhu cầu, nên quyết định cuối cùng vẫn thuộc về bạn.
Minh Trung
Theo The Next Web
Post a Comment